Canh ngó môn của mẹ

Canh ngó môn của mẹ



Xuân trở mình từ giã, hạ oi nồng đang sang. Những cái nắng chói chang của ngày đầu mùa hạ sao mà bức bối đến ngộp thở. Còn gì thích thú hơn khi được sà vào mâm cơm mà xì xụp thưởng thức vị man mát, thanh thanh, chua chua của bát canh dân dã ngó môn do chính tay mẹ nấu cho gia đình.

Đến với các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta, chắc hẳn mọi người đều có thể được nếm món canh này. Ngó môn, ngó khoai, dãi khoai, bồng khoai hay có người vui tính còn gọi là bòi môn nữa cũng đều là một. Nó là phần mọc ra từ phần gốc của cây khoai ngứa mà người ta hay gọi khoai môn. Nó bò nguyềnh ngoàng ra tứ phía mà xâm lấn các vùng lãnh thổ cạnh đấy. Loại cây này thường có nhiều ở các vùng quê. Người dân thường lấy thân và lá để nấu cám cho lợn, cho gà. Nhớ hồi còn bé, tôi vẫn thường cùng anh trai hay bọn trẻ con ở xóm lũn cũn cắp cái rổ đi cắt mon. Tàu môn thân xốp, chỉ dùng dao đưa một đường nhẹ nhàng, loáng cái là được một rổ và hoàn thành nghĩa vụ được giao. Và sau đó là công cuộc truy tìm, đột kích từng gốc môn để tìm ngó khoai nhu nhú ra non mập mỡ màng. Chính vì ngó là phần ít ngứa nhất trên cây nên dân ta thường dùng thay các món canh rau khác. Ngày nay khi cuộc sống bộn bề hơn, tất bật và có phần khấm khá hơn thì chỉ cần ra chợ tìm mua là có.
Cách nấu món canh này cũng kì công ra trò và mỗi nơi lại có những nguyên liệu khác nhau. Mặc dù đã nếm thử vài cách chế biến của một số vùng nhưng tôi vẫn thích hương vị riêng của mẹ đã nấu và dạy tôi khi thời con gái với những thứ rất quen thuộc, dễ kiếm ngoài gia vị thông thường thì thêm chút mắm tôm, rau ngổ, mẻ và tỏi ta thơm nồng.

Ngó môn không như những loại rau khác chỉ cần cắt bỏ phần già là ăn được đâu. Công đoạn nhặt tước cũng đòi hỏi bàn tay khéo léo, tỉ mẩn của người làm. Tay phải dẻo phải uốn cong làm sao cho không bị gãy vụn ra để khi nấu khỏi bị tủn mủn trông không còn đẹp mắt nữa. Tước xong thì ngắt ngắn tầm 5-6 cm là vừa rồi mang rửa. Nhưng nhớ phải dùng găng tay không là sẽ bị ngứa lắm. Để cho ngó trắng thì nên cho thêm một chút mẻ khi luộc chỉ cần cho xâm xấp nước và sôi lên một chút là vớt ra để ráo. Khi chảo mỡ nóng già cho phần tỏi đã đập dập vào phi cho thơm, mẻ đã lọc kĩ xẻo vào xào cho chín mẻ rồi mới cho ngó đã luộc nêm thêm gia vị cho đậm đà ngâm ngấm rồi mới cho nước vào đun khoảng 15-20 phút cho nhừ. Trước khi tắt bếp thêm một chút mắm tôm cho dậy mùi và đậm vị cùng rau ngổ cắt khúc vừa phải một vài lát ớt tươi bỏ hạt.






Một điều lưu ý nho nhỏ nhưng vô cùng quan trọng để có một bát canh ngó môn thanh mát mà không bị lăn tăn ngứa nơi cổ họng là phải tước bằng móng tay không được dùng dao, khi nấu đã cho nước là không được nhúng đũa hay thìa vào nồi. Một bát canh ngó môn ngon phải hội tụ đủ thanh dịu chua bùi và nhừ mà vẫn còn nguyên hình nguyên dáng. Đấy quả là một nghệ thuật.

Với những ai đã từng ăn món này hẳn không thể nào quên. Và đặc biệt khi đã quá ngán những sơn hào hải vị, hay ngán những món đầy những mỡ và đạm hãy nếm thử ngó mon bạn sẽ thích ngay mà. Ngó môn hương vị quê nhà, ấm áp đôi bàn tay mẹ, ngọt bùi nét văn hoá ẩm thực dân tộc Việt chẳng thể lẫn vào đâu.


Tản văn: Hương Giang
Ảnh mạng

Nhận xét

  1. Chao ôi, thiệt là nhớ ngày xưa...

    "phải tước bằng móng tay không được dùng dao, khi nấu đã cho nước là không được nhúng đũa hay thìa vào nồi", chính xác luôn!

    Mẹ DVD cũng đã từng dạy như thế!

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét