Răng khểnh

Răng khểnh
Chiếc răng khểnh mà tôi thầm thương trộm nhớ thuở thiếu thời chính là cô nàng khi ấy mới mười sáu trăng tròn. Chiếc răng khểnh bên trái khóe môi đã làm cho một thằng con trai năm cuối cấp ba như tôi xao xuyến. Thời buổi đó dưới quê tôi, con trai con gái tuổi xêm xêm như thế hãy còn nhiều dại khờ, ngờ nghệch lắm, vẫn thường xưng hô với nhau là mày, tao. Ngọc Lan là tên nàng ấy, chẳng biết ngày đó nhờ ai văn hay chữ tốt mà khéo đặt tên cho nàng cái tên xứng với người đến thế, chỉ biết nhà nàng trước kia trồng rất nhiều bụi ngọc lan, tối đến nhà ai gần nhà nàng, bắc chõng tre ra cửa ngồi hít thở khí trời những đêm hè nóng là ngửi thấy thứ hương thơm nồng nhẹ từ vườn nhà nàng.
Nhà tôi và nhà nàng cách nhau chỉ một hàng rào, cái hàng rào không phên giậu của nông thôn hơn mười mấy năm về trước khiến hàng xóm bên kia ăn món gì, ngủ mùng màu gì thì hàng xóm bên này đều biết. Mặc dù nhà chúng tôi khi ấy chẳng có cái cây mồng tơi nào mọc lên cả, nhưng lắm hôm rảnh rỗi, chẳng có chuyện gì làm, thay vì lấy bài ra học tôi lại nhìn sang nhà nàng mà nghêu ngao hát “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi. Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn. Hai người sống giữa cô đơn, Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi. Giá đừng có giậu mùng tơi. Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng” Hát thì hát ra vẻ thế ấy, mà chẳng lần nào tôi dám lân la hỏi chuyện nàng, dù có nhiều lần bất chợt bốn mắt nhìn thấy nhau.

Nàng hiền và chăm học lắm, thuở ấy con gái có ai mà vào được cấp ba trường làng như nàng hiếm lắm, nhiều cô mới ngấp nghé mười lăm, mười sáu nghỉ học giữa chừng, lấy chồng rồi ẵm một đàn con thơ là chuyện bình thường. Thế nên là một thằng con trai như tôi, mà một thằng con trai thì dưới quê người ta gán cho nhiều trách nhiệm bổn phận lắm, nào là nối dõi tông đường, rạng danh dòng họ,…. Ôi lôi thôi lắm thứ tôi chẳng tài nào kể hết được, thế nên vì học hành kém cỏi cứ suốt ngày bị cha mẹ đem nàng ra làm tấm gương rêu rao. Dẫu thế tôi cũng chẳng buồn giận làm gì,  chỉ sợ mất mặt trước mặt nàng mà thôi.
Thế rồi cha Ngọc Lan đột ngột qua đời, mẹ nàng chẳng còn ai thân thích nơi đây, bà quyết định rời bỏ nơi này, đưa Ngọc Lan về quê ngoại sinh sống. Ngày nàng đi, tôi ra phía sau hàng rào nhà rồi gửi nàng trái dưa hấu to tầm năm sáu ký. “Đi bình an nhé! Nếu về thì nhớ ghé đây chơi”. Thú thật đó là câu nói lịch sự đầu tiên tôi bật lên với một đứa con gái. Tôi bặm môi muốn khóc. "Nhớ nghen!”. Tôi nói xong gãi đầu, gãi tai cười cười khiến nàng cũng phải bật cười theo. Nụ cười heo héo nhưng chiếc răng khểnh đẹp rụng tim thì không giấu vào đâu được. Chắc có lẽ đó là buổi nói chuyện đầu tiên và duy nhất giữa hai chúng tôi.
Nhưng trong tim tôi khi ấy luôn xem sự lúng ta lúng túng sau cùng của nàng như một lời ước hẹn. Nàng đi rồi, nửa năm, một năm, rồi hai, ba năm… Tôi tốt nghiệp cấp ba, cũng lên thành phố học hành, nhưng biển người mênh mông…
Thời gian lặng lẽ trôi. Tuổi xuân sầm sập bay vèo vèo, rồi ai cũng phải đến lúc dựng vợ gả chồng, tôi cũng bận rộn lo cho gia đình nhỏ. Mối tình đầu của tôi không tiễn mà biệt theo năm tháng…

Tình đầu ơi nàng ở nơi nao…!

Nhận xét