Xe kéo mo cau

Xe kéo mo cau

Nhà Khoa trên phố thị, năm nào cũng thế, cứ đến mùa hè là Khoa được mẹ cho về nhà ngoại chơi. Nó ở cùng ông ngoại đã già với dì Ngân.  Ông nó  già rồi, chỉ vui thú vườn tược cỏ cây hoa lá trong vườn cả ngày, dì nó  bận bịu, sáng chiều phải ra chợ mua bán, nó về quê gần như được thả rong không còn ai trông chừng. Thuở ban đầu mới về quê, nó bỡ ngỡ chẳng quen biết ai, chỉ dám đứng sau hàng rào thèm thuồng nhìn đám trẻ trong xóm chơi đùa. Lũ trẻ mới đầu nghĩ nó dân Sài Gòn mới về, ban đầu chê nó chảnh, không thèm chơi. Nhưng trẻ con, chẳng ai chỉ bảo, chúng có cách riêng của chúng để kết bạn, chẳng mấy chốc Khoa đã thân với lũ trẻ trong xóm, từ đó chẳng có buổi chơi nào chúng vắng mặt Khoa.

Biết bao nhiêu là trò, nào là “Thả đỉa ba ba”, “Ô ăn quan”, “Tùng_keng”,… nhưng trò bọn chúng khoái nhất là trò chơi kéo xe bằng mo cau. Đứa nào cẩn thận được giao nhiệm vụ tìm tàu cau mới rụng, còn dẻo mềm, cẩn thận lót cái bao cũ để người ngồi không bị đau. Mấy đứa con gái khéo tay  được giao nhiệm vụ dùng hoa cau kết làm vòng hoa, dây chuyền, bông tai, “trang điểm” để cho người ngồi trên mo cau làm cô dâu. Còn đứa nào kéo, đứa nào ngồi thì chúng “xú xì” để chia phần. Bữa đó, cả bọn chơi trò đám cưới. Đứa nào thắng thì ngồi lên mo cau, đứa nào thua thì phải kéo, nhưng cũng có lúc ít người chơi quá, thì trai lớn kéo, gái nào nhỏ ngồi lên. Đoàn rước dâu có bữa cao lắm tới hơn chục chiếc xe kéo bằng mo cau... Bạn bè sẽ có đứa sẽ làm phu xe, kéo “đôi vợ chồng” diễu khắp làng. Rồi thi thoảng cũng có nhiều lúc lũ bạn cũng bận bịu, mỗi đứa mỗi nơi, đứa thì phụ mẹ đi chợ, đứa thì ở nhà trông em,… Khoa lúc ấy rảnh rỗi lại rủ cô bé hàng xóm gần nhà ra chơi trò kéo mo cau. Con bé Hân, nhỏ hàng xóm gần nhà Khoa, khi ấy mới học lớp bốn, cũng trong đám bạn chơi cùng, ngồi khoanh chân trên mo cau, tay nắm chặt sống lá, hớn hở ra lệnh: “Chở tui đi chợ, chở tui đi thăm ngoại…”. Thằng Khoa  hớn hở giành kéo, nó kéo tàu mo cau chạy băng băng trên đường làng. Có bữa nó mừng rỡ kiếm được cái tàu cau thật lớn, kết đầy hoa tím lục bình làm xe rước dâu, cho bé Hân đội vòng hoa, đeo đầy “vòng vàng”, hớn hở trở thành “cô dâu” sau  lưng Khoa.. Người lớn xem con nít chơi, bật cười bảo “hai đứa nó lớn lên sẽ thành một đôi rất đẹp”…Hai đứa thích chí cười nắc nẻ. Những lúc hai đứa mệt, ngồi nghỉ bên vệ đường, con bé chỉ Khoa tìm hái trái cơm nguội, chòi mòi, mít non, sim tím chia cho nó ăn. Nó bụm trong tay nhúm muối ớt, hai đứa cùng chấm chung, vui đáo để…Cứ thế, mỗi lần hè về, con bé lại chờ Khoa để được chơi chung, biết bao nhiêu là kỉ niệm.
Năm tháng trôi qua như giấc mộng, Khoa không còn trẻ con thích chơi mo cau như ngày nào cùng lũ bạn trong làng nữa. Lũ chúng nó cũng lớn rồi, khác xưa, có đứa đi học đại học, đứa thì ở nhà có vợ có chồng. Chẳng ai còn hứng thú với chiếc mo cau chúng mải mê ngày nào!  Nhưng cảm giác bồi hồi trong Khoa vẫn còn đó mỗi lần anh về quê. Nhìn vào ngõ xưa nhà bé Hân ở đó, anh nhớ lại ngày cô đi lấy chồng, anh đứng đầu ngõ lặng nhìn theo, tay vẫn còn cầm tàu cau mới rụng, chắc anh định cho con bé mang theo làm kỷ niệm, nhưng ngại ngần không đưa. Xe đưa dâu chạy mỗi lúc một xa, dáng anh nhỏ dần, cô vẫn ngoái nhìn với đôi mắt mờ lệ. …

Thỉnh thoảng trong những giấc mơ, Khoa vẫn  thấy bé Hân thuở nào ngồi vắt vẻo trên mo cau, cùng anh rong chơi khắp làng. Khi tỉnh giấc, tiếng cười giòn tan của anh và cô như còn rộn rã đâu đây. Ký ức ngọt ngào về một thời thơ dại nơi làng quê nghèo có lẽ mãi chẳng thể phai mờ trong lòng Khoa...

Nhận xét