Rau tàu bay

Rau tàu bay

Hồi đó, chẳng riêng gì gia đình tôi mà hầu hết mọi người trong làng ai cũng thế, cả tuần mới có dịp đi chợ  được một lần. Nhớ sau những lần mẹ đi chợ xa về, giọt mồ hôi lấm tấm sau lưng áo là một chiếc giỏ mây đựng ít mắm muối và vài con cá trỏng khô mặn mòi. Cuộc sống gặp nhiều khó khăn, các khoản chi tiêu trong nhà ngày càng tăng dần khi các anh chị em chúng tôi lớn dần. Gắn liền với những ngày tháng nuôi lớn chúng tôi là những bữa ăn đạm bạc: cơm, cà pháo muối xổi hay muối trường và quanh quẩn các món canh rau tàu bay. Sợ cháu nhỏ mau ngán, bà nội thường xuyên biến tấu, lúc thì rau tàu bay luộc chấm nước mắm, lúc thì canh rau tàu bay nấu ruốc,.... Khi ấy ruốc luôn luôn là thứ có sẵn mọi nhà và trở thành món mặn chính kết hợp với các loại rau dại.

Rau tàu bay vốn mọc hoang khắp nơi dù đất đai có khô cằn. Bất cứ chỗ nào có đất trống là rau tàu bay lại vươn mình xanh ngát. Tàu bay chỉ là loại “rau ăn được” của những gia đình nghèo quê hương tôi ngày ấy. Cái vị của nó ngọt thì ít mà chát và hăng nồng thì nhiều. Nhưng chẳng biết sao khi ấy, trưa đi học về được một tô cơm nguội độn củ sắn, rễ khoai, cùng rau tàu bay chấm mắm, dĩa cà pháo muối xổi thì thật sung sướng hạnh phúc biết bao nhiêu. Hạt cơm khô đã vào hơi thoang thoảng mùi mốc để lâu ngày nấu quá lửa ăn kèm với trái cà pháo giòn tan, vài cọng rau dại cứ ngọt ngào tê tê tận đầu lưỡi, tôi lúc bé chỉ ước ao sao mỗi ngày đều có được một tô cơm như thế thôi. Sáng nào cũng thế, mẹ gọi anh em tôi dậy sớm ra vườn hái về mớ rau tàu bay để bà nội nhóm lửa nấu cơm. Ngày ấy món rau tàu bay rất phổ biến, nhà ai cạn kiệt thì cắp rổ qua nhà hàng xóm xin. Quê nghèo lắm nhưng hầu  như ai cũng sẵn lòng cho nhau thứ rau dại nghĩa tình ấy.
Cuộc sống dần thay đổi, ai ai cũng khấm khá hơn trước. Nhà tôi không còn ăn rau tàu bay như trước nữa, nhưng rau tàu bay luộc, canh rau tàu bay nấu ruốc của bà nội vẫn thấp thoáng đâu đó trong ký ức của tôi sau mỗi lần về thăm nhà…


Nhận xét